Nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; đem lại các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trong thời gian qua, tổ hợp tác Thanh Bình, thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết thu mua hàng nông sản, giải quyết đầu ra các sản phẩm từ Đậu Phộng, Mè Đen cho người nông dân xã Tiên Châu nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung.
Hòa chung với khí thế của Phong trào “Quốc gia khởi nghiệp” và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là “Giá trị Khởi nghiệp không chỉ là kinh doanh, làm giàu cho bản thân mà lớn hơn là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cộng đồng. Giá trị của khởi nghiệp cũng là sự trải nghiệm, rèn luyện tích lũy kỹ năng, gắn với sự trưởng thành của mỗi con người nên nếu không thành công thì không nên coi đó là sự thất bại mà sợ hãi'.
Hưởng ứng chương trình và chung tay xây dựng phong trào “Nông thôn mới” tại địa phương, tổ hợp tác Thanh Bình thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng ý tưởng kinh doanh, lên phương án sản xuất, huy động nguồn vốn để đầu tư. Đặc biệt, tổ hợp tác đã có được sự ủng hộ, tạo điều kiện vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Với tổng số vốn ban đầu 250 000 000 đồng, Tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư hệ thống Máy ép dầu công nghệ cao và xây dựng mô hình “Tổ hợp tác Thanh Bình ép dầu công nghệ cao và thu mua nông sản”.
Hệ thống máy ép dầu công nghệ cao của tổ hợp tác
Bước đầu, Tổ hợp tác tuy còn nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu mặt bằng để xây dựng nhà máy; nhưng với sự nỗ lực của các thành viên trong tổ hợp tác, qua hơn 4 tháng ra đời và đi vào sản xuất, kinh doanh với 03 loại dầu thực vật nguyên chất như: Dầu Phộng, Dầu Đậu Nành, Dầu Mè Đen nguyên chất, đã tạo công ăn việc làm cho 04 lao động nông thôn, với thu nhập mỗi tháng trên 4 triệu đồng, sản phẩm do tổ hợp tác làm ra ngày càng được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn toàn huyện và các vùng lân cận, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân xã nhà; đồng thời, liên kết tạo ra những sản phẩm uy tín chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, Tổ hợp tác đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau để nâng cao chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm, hợp tác giải quyết đầu ra cho bà con nông dân, nâng cao thu nhập như sau:
Một là, đề nghị UBND xã hỗ trợ cho bà con nông dân chuyển đổi một số cánh đồng lúa như Đồng Nà Chiến, đồng Vực Lẫm, Đồng Bàu, đồng Thanh Tân và một số chân ruộng khác…chuyển sang trồng cây màu như Đậu Phộng, Cây Mè Đen nâng cao năng suất và có giá trị kinh tế cao hơn.
Hai là, Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân về thâm canh Cây Đậu Phộng, Cây Mè Đen, để nâng cao kiến thức trong phòng trừ sâu bệnh và nâng cao năng suất.
Ba là, đề nghị Cấp ủy, Chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cho tổ hợp tác được tiếp cận từ nguồn vốn phát triển sản xuất nông thôn mới để tạo chuỗi giá trị liên kết cung ứng đầu vào như giống, phân bón, vật tư, thu mua sản phẩm nông sản đầu ra của bà con nông dân, nâng cao thu nhập.
Để góp phần cùng với địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện đạt tiêu chí “Thu nhập” tiêu chí số 10, tổ hợp tác sẽ ngày càng phấn đấu hơn nữa, cam kết và chịu trách nhiệm về những sản phẩm mình làm ra, quyết tâm đưa những sản phẩm của mình ra một thị trường rộng lớn hơn, được nhiều người tiêu dùng bình chọn./.